BIẾN DỊ DI TRUYỀN VỀ SINH TRƯỞNG, ĐỘ THẲNG THÂN VÀ CÀNH NHỎ CỦA LOÀI KEO LÁ TRÀM (Acacia auriculiformis) TRONG KHẢO NGHIỆM HẬU THẾ TẠI ĐỒNG PHÚ, BÌNH PHƯỚC
Từ khóa:
Chất lượng thân cây, hệ số di truyền, Keo lá tràm, sinh trưởng, tăng thu di truyềnTóm tắt
Keo lá tràm là loài cây trồng lâm nghiệp chính tại Việt Nam và phù hợp cho trồng rừng gỗ xẻ. Mục tiêu của nghiên cứu là chọn lọc được các gia đình Keo lá tràm sinh trưởng nhanh, chất lượng thân cây tốt phục vụ trồng rừng gỗ xẻ. Khảo nghiệm gồm 79 gia đình Keo lá tràm và 1 dòng vô tính AA1, trồng năm 2019 tại Đồng Phú - Bình Phước. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi rừng 4 tuổi, các gia đình có sự khác biệt về chỉ tiêu sinh trưởng (đường kính, chiều cao), thể tích thân cây và chất lượng thân cây. Trong đó, 5 gia đình 29; 4; 5; 49 và 57 có năng suất trung bình đạt từ 20,4 - 23,5 m3/ha/năm và vượt trội từ 28,2 - 47,8% so với năng suất trung bình của khảo nghiệm. Chỉ tiêu chất lượng tổng hợp của 5 gia đình này trung bình đạt 3,7 điểm cao hơn so với số điểm trung bình của toàn khảo nghiệm 3,6 điểm. Chỉ tiêu sinh trưởng có hệ số di truyền tại tuổi 4 ở mức trung bình với D1,3 có h2 = 0,42; Hvn có h2 = 0,38 với hệ số biến động lần lượt là CVA = 13,83% của D1,3 và CVA = 11,06% của Hvn đều cao hơn so với chỉ tiêu chất lượng thân cây Dtt có h2 = 0,09 và Dnc có h2 = 0,01 với hệ số biến động lần lượt CVA = 5,05% của Dtt và CVA = 0,01% của Dnc. Tăng thu di truyền lý thuyết tăng lên 18,52% về D1,3 và 14,11% về Hvn khi tỷ lệ chọn lọc là 5% cá thể tốt nhất trong vườn giống tại tuổi 4. Từ kết quả đánh giá sinh trưởng về D1,3, Hvn, Dtt và Dnc thì 5 gia đình trên có triển vọng cho các nghiên cứu chọn lọc giống tiếp theo.
